English (United Kingdom)Tiếng Việt ( Vietnamese )



Đảo Cái Chiên, một điểm đến mới cho những ai ưa thích sự khám phá

ban do ha long park hotel


"Xây dựng văn hoá phụ nữ vùng du lịch"

Năm 2013, mô hình “Xây dựng văn hoá phụ nữ vùng du lịch” được triển khai tại phường Bãi Cháy (TP Hạ Long) và huyện đảo Cô Tô, những địa bàn có những đặc thù khác nhau. Mô hình nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về văn hoá ứng xử trong giao tiếp và bảo vệ môi trường cho hội viên phụ nữ ở những vùng du lịch.

Phường Bãi Cháy là trung tâm du lịch lớn của tỉnh, hàng ngày thu hút đông khách du lịch trong và ngoài nước. Ở đây tập trung nhiều khách sạn, nhà hàng, hoạt động kinh doanh, dịch vụ diễn ra sôi động. Với ý nghĩa, mục đích giáo dục kiến thức, kỹ năng trong văn hoá giao tiếp, ứng xử của phụ nữ, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động du lịch ở mỗi địa bàn, nên mô hình ngay từ khi triển khai đã nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện của cấp uỷ, chính quyền địa phương, sự đồng tình của những hộ kinh doanh, dịch vụ du lịch.

Lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về văn hoá ứng xử trong giao tiếp cho các thành viên tham gia mô hình tại huyện Cô Tô.
Lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về văn hoá ứng xử trong giao tiếp cho các thành viên tham gia mô hình tại huyện Cô Tô.

Hội LHPN phường Bãi Cháy là một trong những cơ sở Hội đi đầu trong công tác vệ sinh môi trường của TP Hạ Long và của tỉnh, khi triển khai đã phát huy tốt kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng phụ nữ tham gia giữ gìn, bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp vào hoạt động của mô hình, nhất là vận động và phối hợp với các nữ doanh nghiệp kinh doanh, dịch vụ du lịch trên địa bàn cùng vào cuộc. Chị Trần Thị Hiền, Giám đốc một công ty kinh doanh dịch vụ du lịch ở Bãi Cháy, cùng chị em trong CLB nữ doanh nghiệp của phường đều rất tâm đắc với hoạt động của mô hình, vì cũng chính là tiêu chí phục vụ của các khách sạn, nhà hàng “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, quyết định đến kết quả và thành công trong kinh doanh của doanh nghiệp. Từ khi tham gia mô hình, các cơ sở này thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở nhân viên phục vụ phải luôn chứng tỏ mình là người có văn hoá trong giao tiếp, ứng xử một cách lịch sự, cởi mở và chu đáo với du khách; coi đó là tác phong, phẩm chất của người làm du lịch. Những buổi sinh hoạt hay tập huấn của mô hình, các cơ sở đều bố trí nhân viên phục vụ được tham gia, để chị em có cơ hội học hỏi, nâng cao kiến thức trong văn hoá giao tiếp, ứng xử, đáp ứng tốt yêu cầu của kinh doanh.

Huyện đảo Cô Tô vài năm trở lại đây trở thành địa chỉ thu hút đáng kể khách tới tham quan, khám phá bởi vẻ đẹp nguyên sơ của những cánh rừng và bãi biển cát trắng chạy dài, cùng sản vật phong phú. Việc triển khai mô hình đã góp phần tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch vốn còn đang là bước khởi đầu ở đây. Các chị ở Hội LHPN huyện cho biết, hội viên nói chung và chị em tham gia làm du lịch ở đây nói riêng còn thiếu những kiến thức trong giao tiếp, ứng xử, nên khi mô hình được triển khai, chị em đều thấy rất thiết thực, bổ ích, có thêm hiểu biết, kiến thức về văn hoá giao tiếp, ứng xử, giúp họ kinh doanh, dịch vụ du lịch tốt hơn, hiệu quả hơn. Mỗi cuộc sinh hoạt, mỗi lần tập huấn của mô hình đều thu hút đông đảo phụ nữ tham gia. Chuyển biến thấy rõ là ý thức về nếp sống văn hoá trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường; đường làng, ngõ xóm được chị em hội chung tay quét dọn, rác thải được thu gom về nơi quy định. Bên cạnh vận dụng kiến thức được tập huấn vào cuộc sống, chị em còn nhắc nhở người trong gia đình khi tiếp xúc với khách du lịch, nhất là khách nước ngoài, phải ứng xử có văn hoá. Chị em tiểu thương, buôn bán ý thức không được tuỳ tiện tăng giá, bắt chẹt du khách... 

Sau 2 năm đi vào hoạt động, mô hình đã thu hút được 150 thành viên tham gia, gồm: Hội viên phụ nữ, nữ chủ nhà hàng, khách sạn, nữ nhân viên. Hội LHPN tỉnh đã tổ chức được 3 lớp tập huấn về kiến thức, kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho các thành viên của mô hình. Thực hiện mô hình, các cấp Hội phụ nữ luôn bám sát nhiệm vụ của địa phương để triển khai các hoạt động phù hợp, thiết thực, góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh, xây dựng thương hiệu cho du lịch Quảng Ninh, sớm đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Hội xác định thực hiện tốt mô hình là góp phần thực hiện tốt Đề án “343” về giáo dục truyền thống và phẩm chất, đạo đức cho phụ nữ. Để hoạt động của mô hình ngày càng đem lại hiệu quả, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ sở gắn việc thực hiện mô hình với hưởng ứng các chương trình, hoạt động “Nụ cười Hạ Long”, “Người Hạ Long nói lời hay, cử chỉ đẹp”...

Hạnh Chi

Nguồn: www.datmo.vn